Translate

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

TP.HCM chuẩn bị nhân sự cho chính quyền đô thị

(TNO) Ngày 11.9, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã chủ trì hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 9 (bất thường).


Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Nhã Thụy 
Hội nghị đã thông qua 2 tờ trình quan trọng: Tờ trình về Đề án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM và phương án cung thỉnh Tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi về Nhà Thiếu nhi TP.HCM; Tờ trình về Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM.
Theo ông Lê Thanh Hải, đối với đề án chính quyền đô thị, công tác cán bộ là khâu quan trọng nhất.

“Đây là khâu quan trọng nhất để đảm bảo thành công và đạt được mục tiêu đề ra”, ông Hải khẳng định. 
Nguyên tắc tổ chức chính quyền đô thị
Theo nội dung tờ trình được Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 9 thông qua, chính quyền đô thị TP.HCM được tổ chức phù hợp với đặc điểm phát triển không đồng đều, tính chất, yêu cầu quản lý của từng địa bàn; là chính quyền địa phương có 2 cấp (hiện nay là 3 cấp), bao gồm cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở.
Cấp cơ sở bao gồm cấp xã, phường, thị trấn và thành phố (4 thành phố sẽ thành lập mới); riêng địa bàn đô thị hiện hữu gồm 13 quận nội thành chỉ có 1 cấp chính quyền.
Mỗi cấp chính quyền hoạt động theo nguyên tắc bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân cấp…
Các cơ quan chuyên môn (sở, ngành) thuộc chính quyền thành phố được sắp xếp theo hướng gọn nhẹ, quản lý đa ngành, giảm đầu mối, hạn chế cấp trung gian.
Các sở, ngành trong bộ máy hành chính của chính quyền TP.HCM trực tiếp quản lý 13 quận nội thành; thực hiện chức năng hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình đối với 4 thành phố trực thuộc; các huyện do địa bàn nông thôn còn nhiều khó khăn nên cơ chế của chính quyền xã, thị trấn từng bước mở rộng phù hợp với khả năng tự chủ ngân sách…
Theo lộ trình, sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM thông qua, tờ trình Đề án thí điểm Chính quyền đô thị TP.HCM sẽ được trình HĐND thành phố; dự kiến TP.HCM sẽ tiếp tục trình Chính phủ vào cuối tháng 9.2013.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, nếu được chấp thuận, vào thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ tiến hành triển khai áp dụng mô hình mới.
Điểm mới của Đề án thí điểm Chính quyền đô thị TP.HCM
Sau khi tiếp thu hơn 1.100 ý kiến của các tầng lớp nhân dân, Đề án thí điểm Chính quyền đô thị TP.HCM có một số sửa đổi về mô hình tổ chức (so với dự thảo đề án công bố vào đầu tháng 8).
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết, chính quyền đô thị TP.HCM được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp:

Chính quyền TP.HCM - Thành phố trực thuộc trung ương: Quy mô toàn bộ 24 quận, huyện hiện nay. Chính quyền TP.HCM vừa đóng vai trò là chính quyền cấp trực thuộc trung ương, vừa là chính quyền đô thị của 13 quận nội thành. Tại mỗi quận nội thành  tổ chức cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức ủy ban hành chính, dưới quận có đơn vị hành chính phường.
Chính quyền 4 đô thị (thành phố) thành lập mới: Đây là chính quyền cơ sở dưới cấp chính quyền TP.HCM. Các đô thị này được gọi là thành phố trực thuộc; mang tên địa danh lịch sử, văn hóa của địa bàn đó. UBND thành phố trực thuộc do HĐND thành phố trực thuộc bầu và UBND TP.HCM phê chuẩn. Người đứng đầu UBND các thành phố trực thuộc được gọi là chủ tịch.
Chính quyền nông thôn trong đô thị đặc biệt: Bao gồm 3 huyện Cần Giờ, Củ Chi và một phần Bình Chánh, với diện tích hơn 1.304 km2, dân số trên 630.000 người, bao gồm 35 xã và 3 thị trấn; chiếm 62% diện tích tự nhiên của thành phố.
Cơ quan đại diện hành chính của chính quyền TP.HCM ở huyện: Huyện không phải là cấp chính quyền nên cơ quan hành chính huyện chỉ thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước theo cơ chế ủy nhiệm/ủy quyền của chính quyền TP.HCM.
Chính quyền xã và thị trấn: Xã và thị trấn là cấp chính quyền cơ sở, tương đương chính quyền 4 thành phố trực thuộc, do chính quyền TP.HCM quản lý theo cơ chế phân cấp.


Đình Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét